(SN-MS) - Sau khi đạt được thỏa thuận, sáng nay (23/4) AVG đã ký biên bản thỏa thuận chuyển giao toàn bộ hợp đồng truyền hình các giải chuyên nghiệp cho VPF khai thác. Để nhận lại bản quyền bóng đá nội, lãnh đạo VPF phải cam kết mang lại lợi nhuận tối thiểu 50 tỷ đồng/năm.
Không đợi đến buổi chiều như lời khẳng định của Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF Võ Quốc Thắng. Ngay trong sáng nay (23/4), AVG - VFF- VPF đã có buổi làm việc chốt lại các điều khoản chuyển giao hợp đồng truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp cho VPF khai thác, dựa trên thỏa thuận mà Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ thống nhất với Phó Chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên.
Trong buổi làm việc, VPF đã trình bày kế hoạch khai thác bản quyền truyền hình các giải đấu chuyên nghiệp nhằm mang lại nguồn thu lớn nhất cho bóng đá Việt Nam như lãnh đạo VPF đã nêu ra trong buổi gặp gỡ báo chí chiều 20/4. Sau khi lắng nghe VPF trình bày, Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ đồng ý thanh lý toàn bộ Hợp đồng số 08/HĐ/2010/VFF-AVG (VFF ký với AVG năm 2010) trên cơ sở cam kết của VPF về việc khai thác bản quyền truyền hình với giá trị tối thiểu 50 tỷ đồng/năm, tính từ mùa giải 2013 để tăng nguồn thu cho bóng đá Việt Nam.
Ngoài điều khoản mang lại lợi nhuận tối thiểu 50 tỷ đồng/năm từ việc khai thác bản quyền truyền hình. VPF còn có trách nhiệm đàm phán với Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và Đài truyền hình kỹ thuật số (VTC) để thực hiện phát sóng rộng rãi phục vụ người hâm mộ cả nước trên cơ sở tôn trọng thỏa thuận phân chia theo tỷ lệ 40-30-30 mà AVG ký với VTV - VTC hồi tháng 3 (VTV giữ 40%; AVG là 30%, VTC là 30 %).
Với những thỏa thuận vừa được ký kết, VPF sẽ được VFF - AVG tạo điều kiện cho khai thác thương quyền truyền hình các giải đấu chuyên nghiệp kể từ vòng đấu 15 V-League và hạng Nhất (28/4).
Trước khi chấp thuận chuyển giao hợp đồng truyền hình ký với VFF năm 2010, ngày 21/4, AVG đã gửi đến VPF công văn số 69/TTAV-CV nêu ra 3 điều khoản về việc khai thác bản quyền truyền hình bóng đá chuyên nghiệp sao cho có hiệu quả với nội dung:
Mục tiêu lãnh đạo VPF theo đuổi nhiều tháng đã được thỏa mãn - Ảnh: Gia Hưng
Thứ nhất: AVG chỉ là một bên trong Hợp đồng 08/HĐ/2010/VFF-AVG mà theo Hợp đồng này việc chuyển nhượng Hợp đồng phải được sự chấp thuận của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Vì vậy, việc chuyển nhượng thương quyền từ AVG sang VPF nhất thiết phải được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đồng ý.
Thứ hai: AVG đã có văn bản cam kết với Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và Đài Truyền hình kỹ thuật số (VTC) về việc chia sẻ 70% thương quyền truyền hình các giải bóng đá Việt Nam cho các đài này nên sau khi tiếp quản Hợp đồng 08/HĐ/2010/VFF-AVG, VPF cần giữ nguyên cam kết này.
Thứ ba: do VPF đã đảm bảo với AVG là mỗi năm VPF sẽ đem lại cho bóng đá Việt Nam tối thiểu 50 tỷ đồng nên VPF cần thực hiện cam kết này bằng văn bản với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và AVG, vì sự phát triển chung của Bóng đá Việt Nam.
AVG không yêu cầu VPF bồi hoàn các khoản lỗ của AVG đã bỏ ra trong thời gian vừa qua. AVG sẽ hỗ trợ VPF và VFF bằng cách sẽ là một thành viên giám sát việc thực hiện Hợp đồng giữa VFF và VPF.
Điều mong muốn của VPF suốt thời gian qua đã thành hiện thực, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận sau khi được quyền khai thác đã được bộ đôi Phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên - Đoàn Nguyên Đức đưa ra. Tuy nhiên, để thực hiện cam kết mang lợi lợi nhuận tối thiểu 50 tỷ/năm vẫn là nhiệm vụ không dễ. Ngoài AVG (nắm giữ 30%), VPF còn phải thuyết phục VTV - VTC (giữ 70%) chấp nhận phương án khai thác mà đơn vị này đưa ra.
Quang Vinh (dantri.vn)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét