Được tạo bởi Blogger.

Lưu trữ Blog

RSS

Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

(SN-MS)- Cả Ngọc Anh, Mỹ Tâm và Mỹ Linh đều mắc lỗi khi hát những ca khúc của cố nhạc sĩ nổi tiếng trong chương trình tối 3/3 ở Nhà hát Công nhân, Hà Nội.
Đêm nhạc Trịnh
Mỹ Tâm làm tươi vui ca khúc vốn buồn của Trịnh.
 
Sau những tranh chấp về quyền tổ chức, phía gia đình Trịnh Công Sơn và IB Group đã đồng ý để Liên đoàn xiếc Việt Nam và công ty Mediamax tổ chức đêm “Ru tình” tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội vào tối 7-8/3. Không còn độc quyền nhưng “Đêm nhạc Trịnh Công Sơn” có lợi thế tổ chức trước. Chương trình cũng có ưu thế ở sự tham gia của Tuấn Ngọc. Tuy nhiên, hệ thống âm thanh, ánh sáng của Nhà hát Công nhân khiến khán giả thất vọng ngay từ những phút mở màn. Sự dụng công của Quốc Trung trong vai trò Giám đốc âm nhạc, mang kèn tây, piano, violin, guitar… lên sân khấu không mang lại kết quả như mong đợi.
 
Nguyễn Ngọc Anh xuất hiện với tư cách nhân tố mới cũng không tạo ra những bất ngờ thú vị. Nữ ca sĩ Sao 
Mai điểm hẹn sai lời ngay từ bài đầu Nắng thủy tinh. Trong cả ba phần trình diễn (Nắng thủy tinh, Này em có nhớ, Còn mãi tìm nhau), Ngọc Anh đều quá nhấn nhá, quá yểu điệu. Cách trình diễn đầy bản năng đàn bà đem đến cho cô sự thành công trên các sân khấu nhạc trẻ lại tỏ ra không phù hợp với cái vô thường, tĩnh lặng của nhạc Trịnh. Bản thân Ngọc Anh khéo chữa cháy cho mình bằng câu: “Tôi diễn nhiều sân khấu nhưng với sân khấu nhạc Trịnh tôi luôn lo lắng. Nếu tôi chưa làm thỏa mãn quý vị thì mong khán giả có cái nhìn thoáng hơn vì Ngọc Anh còn rất trẻ với dòng nhạc Trịnh”.

Với Mỹ Tâm, bốn năm liền cô có mặt trong các đêm nhạc Trịnh được tổ chức dịp tháng 3 ở Hà Nội nhưng vẫn không tránh khỏi sự cố sai lời. Khi đang say sưa với Có một dòng sông đã qua đời, họa mi tóc nâu hát “Mười năm khi phố khi vùng đồi” thành “Mười năm khi phố khi nụ cười” và hẫng khi phát hiện ra sự nhầm lẫn của mình. Tuy nhiên, Có một dòng sông đã qua đời được phối mới khá vui tươi với phong cách Mỹ Tâm. 

Đến Đêm thấy ta là thác đổ - ca khúc được xem như bài tủ của Mỹ Tâm khi hát nhạc Trịnh, cô đổi từ “Đời ta hết mang điều mới lạ. Tôi đã sống rất ơ hờ” thành “Đời em hết mang điều mới lạ. Tôi đã sống rất ơ hờ”. Chỉ một sự đổi ngôi nhân xưng, Mỹ Tâm đã vô tình làm đổi cả ý trong ca từ của Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên cô hát khá tốt Chuyện đóa quỳnh hươngTình xa.

Mỹ Linh từng bị dư luận chê trách khi hát sai Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui trong Lễ bế mạc Liên hoan Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2011. Lần này, diva tóc ngắn nhầm lời đến hai lần trong hai ca khúc Trịnh. Mỹ Linh hồn nhiên hát “Trời sao im vắng” (nguyên văn “Đời sao im vắng” - Ru ta ngậm ngùi), “Một sớm mai chim bay đi bình yên” (“Một sớm mai chim bay đi triền miên” - Để gió cuốn đi). Mỹ Linh cũng bộc lộ nhiều chỗ hát đuối, giả thanh không tốt khi thể hiện Em hãy ngủ đi, Nhớ mùa thu Hà Nội.
Đêm nhạc Trịnh
Mỹ Linh hát kém hơn phong độ thường có của chị.

Lời là giá trị đặc biệt trong âm nhạc Trịnh Công Sơn. Văn Cao từng gọi nhạc Trịnh là ca thơ, trong đó không phân biệt được đâu là ca đâu là thơ. Những người yêu nhạc Trịnh đều rất chú ý đến ca từ trong bài hát. Bởi thế, việc các ca sĩ nhầm lời liên tục trong một đêm nhạc Trịnh gây khó chịu cho khán giả.

Phần trình diễn của Ánh Tuyết, Tuấn Ngọc xứng đáng được coi là điểm sáng của cả chương trình. Đây là hai ca sĩ có nhiều gắn bó với dòng nhạc Trịnh. Dáng người nhỏ bé, mặc chiếc áo dài mền mại, buông tóc hờ ngang vai nhưng Ánh Tuyết khoe chất giọng khỏe, vang với Vết lăn trầm, Cuối cùng cho một tình yêu, Rừng xưa đã khép, Xin trả nợ người. Chị cũng tiết chế tình cảm rất tốt khi hát.

Tuấn Ngọc xứng đáng với đánh giá của Trịnh Công Sơn khi cố nhạc sĩ xem anh là nam ca sĩ hát hay nhất dòng nhạc của mình. Vẫn một phong thái quý ông tự tin, điềm tĩnh, một giọng hát vừa kỹ thuật vừa cảm xúc, cách hát chậm rãi, từ tốn, Tuấn Ngọc khiến người nghe thoải mái tận hưởng phần lời đẹp đẽ của nhạc Trịnh qua Ru đời đi nhé, Phôi pha, Hạ trắng, Chiều một mình qua phố. Danh ca dòng tân nhạc chia sẻ hai kỷ niệm của mình với tác giả bài hát. “Lần đầu tôi gặp Trịnh Công Sơn ở một phòng trà Sài Gòn, khi tôi làm hòa âm cho các em tôi hát Cát bụi tình xa. Trịnh Công Sơn nghe xong có bàn tôi hỏi: ‘Ai hòa âm bài này?’. Lúc đó, tôi nghĩ, cái tên nhạc sĩ hòa âm quá to so với mình nên chỉ đáp: ‘Tôi’. Lần thứ hai cũng là ở phòng trà, khi tôi về nước. Trịnh Công Sơn yêu cầu tôi hát Phôi pha. Mấy tháng sau, ở Mỹ, tôi nghe tin anh ấy mất”.
Đêm nhạc Trịnh
Tuấn Ngọc lịch lãm.

Dẫu những lần gặp nhau ngắn ngủi chưa đủ thành tri âm ngoài đời nhưng trong âm nhạc, Tuấn Ngọc và Trịnh Công Sơn đều dành cho nhau sự đánh giá cao. “Có lẽ một nghìn năm nữa mới có một Trịnh Công Sơn. Mà tôi nói như vậy là còn khiêm tốn. Sẽ có nhiều Tuấn Ngọc nhưng không thể có một Trịnh Công Sơn nào nữa. Tôi may mắn sinh ra trong một thời kỳ toàn những thiên tài âm nhạc như Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Phạm Đình Chương” - Tuấn Ngọc nói. Bản thân anh cũng giữ nét hóm hỉnh như một sự làm duyên với khán giả. “Khi đi hát, tôi cũng hơi lo vì có đến hai đêm nhạc Trịnh. Taxi chở tôi lạc đến Cung Hữu nghị, tôi nhìn băng-rôn quảng cáo ngạc nhiên thấy mình quá trẻ, hóa ra đó là hình Đàm Vĩnh Hưng” - Tuấn Ngọc tủm tỉm cười làm không gian khán phòng sôi động hẳn.

Đứng cạnh Tuấn Ngọc, MC Lê Anh bỗng trở nên mất duyên. Anh dẫn chương trình nhạt. Anh giữ Tuấn Ngọc lại sân khấu để đặt câu hỏi về bí quyết hát làm rung động trái tim nhưng cướp luôn quyền trả lời của nhân vật.

Trong thời lượng hai tiếng đồng hồ, “Đêm nhạc Trịnh Công Sơn” đem đến cho khán giả gần 20 bài hát chủ yếu nghiêng về mảng tình yêu và thân phận. Chương trình tiếp tục diễn ra trong hai tối 7-8/3.
Bài và ảnh: Huy Phạm (vnexpress.net)
Nhãn: ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét